Author Archives: Lương Quốc Quyền

Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái: Đứng vững trên thương trường

Dây chuyền chế biến giấy vàng mã của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy Giấy Yên Bái được thành lập năm 1972. Đến năm 1994 đổi tên là Công ty Chế biến lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái. Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình sở hữu từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm, chế biến tinh bột sắn, tinh dầu quế, sản xuất giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường trong khi chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất vẫn ở mức cao, nhưng bằng chiến lược phát triển đúng đắn, khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu Công ty đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thương trường, trở thành thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng lâm, nông sản.

Hiện nay, Công ty có 8 nhà máy sản xuất, trong đó có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn huyện Văn Yên; 4 nhà máy sản xuất giấy đế tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; 2 nhà máy gia công vàng mã xuất khẩu tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế ở huyện Văn Chấn.

Có thể nói, cũng như nhiều doanh nghiệp khác khi tách ra khỏi “bầu sữa mẹ”, Công ty gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã có những giải pháp tích cực và phù hợp, lãnh đạo, chỉ đạo Công ty hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.

Để đứng vững trên thương trường và thu hút được khách hàng, Công ty đã chủ động đầu tư, hiện đại hoá công nghệ sản xuất bằng hệ thống thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Hà Lan, Đài Loan. Bên cạnh đó, với đặc điểm là doanh nghiệp chế biến lâm, nông sản thực phẩm, nguồn nguyên nhiên liệu của các nhà máy đều là sản phẩm của nông dân nên Công ty luôn xác định phải đảm bảo lợi ích hài hòa của Công ty với người nông dân.

Công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu như: sửa chữa đường dân sinh, hỗ trợ canh tác sắn bền vững, hỗ trợ cây quế giống cho đồng bào vùng nguyên liệu quế huyện Văn Chấn… trị giá hàng tỷ đồng. Cùng với đó, thông qua việc thu mua nguyên liệu với giá cao để người nông dân có lãi, cơ chế thu mua hợp lý, thủ tục nhanh gọn, nhờ đó đã giúp người nông dân yên tâm đầu tư trồng mới vùng nguyên liệu để ổn định về diện tích và sản lượng cho các nhà máy.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí đầu tư, Công ty luôn khuyến khích cán bộ, công nhân viên không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra các giải pháp làm lợi và đi kèm với đó là chính sách khen thưởng hợp lý. Đến nay, đã có 5 sáng kiến cải tiến được áp dụng làm lợi cho Công ty trên 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Trinh – Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Để đứng vững trên thương trường, Công ty xác định tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ sản xuất mới có thể phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất, luôn quan tâm thực hiện các chế độ với người lao động. Nhờ vậy họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp”.

Nhờ có chiến lược kinh doanh hợp lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn phát triển vững chắc, các sản phẩm chủ lực của Công ty như tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã… ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Tính riêng 9 tháng của năm 2016, Công ty đã đạt doanh thu 225 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 700 người, trong đó 400 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc tập trung phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội góp phần không nhỏ cùng chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong những năm qua, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái được Nhà nước, Chính phủ và UBND tỉnh Yên Bái tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2013, tập thể cán bộ công nhân viên và cá nhân ông Trần Công Bình – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2014, Công ty được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc; năm 2015 Công ty được UBND tỉnh Yên Bái tặng Cờ thi đua xuất sắc và đề nghị Chính phủ tặng bằng khen…

 Theo Văn Thông – Báo Yên Bái

Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái: Cải thiện điều kiện an toàn cho người lao động

Công nhân Nhà máy gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc trong khâu hoàn thiện sản phẩm.
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh lâm nông sản thực phẩm xuất khẩu như sản xuất giấy đế, vàng mã, sản xuất tinh bột sắn, chiết xuất tinh dầu quế…
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tổ chức công đoàn đã phối hợp với chính quyền Công ty xây dựng quy chế quản lý, chương trình hành động, kế hoạch ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ từng năm và cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong Công ty.
Công ty thường xuyên kiện toàn Hội đồng Bảo hộ lao động, phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực tham mưu cho Ban Giám đốc thực hiện công tác bảo hộ lao động ở các nhà máy và định kỳ đánh giá tình hình các nguy cơ mất an toàn lao động, thực hiện các biện pháp loại trừ nguy cơ mất an toàn đó để đảm bảo an toàn cho người lao động và đảm bảo an toàn tài sản của Công ty; thực hiện mua sắm bảo hộ lao động theo kế hoạch đã được Công ty phê duyệt hàng năm, cấp phát và quản lý việc sử dụng của người lao động, yêu cầu người lao động khi tham gia vào quá trình sản xuất phải chấp hành, mang mặc đúng trang phục và các bảo hộ khác liên quan…
Cùng đó, tổ chức và hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 90 người là các tổ trưởng công đoàn trực tiếp sản xuất; đội phòng cháy chữa cháy của Công ty gồm có 116  đồng chí, lực lượng phòng chống bão lũ gồm có 129 đồng chí, do các đồng chí phó giám đốc các nhà máy phụ trách và lực lượng bảo vệ chuyên trách làm lòng cốt thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, giám sát người lao động chấp hành các quy định về ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, bảo quản các thiết bị máy móc, vì vậy, trong năm qua không có vụ cháy nổ và tai nạn lao động nào xảy ra.
Ông Lê Long Giang – Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết: “Xác định công tác bảo hộ lao động – ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Công ty đã thường xuyên quan tâm kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các nội quy, quy định đầu tư mua sắm trang cấp thiết bị bảo hộ lao động. Đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến để cải thiện điều kiện làm việc, nên trong những năm qua, điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện đáng kể, tỷ lệ sức khoẻ đạt tiêu chuẩn của người lao động ngày càng được nâng lên”.
Cùng với lập kế hoạch bảo hộ lao động, đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, biện pháp làm việc an toàn, chế độ chính sách ATVSLĐ…, Công đoàn đã phối hợp với Giám đốc Công ty triển khai thực hiện các cuộc phát động phong trào thi đua ”Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân lao động tích cực hưởng ứng, bằng những hành động thiết thực như chăm sóc tỉa cành, làm cỏ cho cây ăn quả và cây xanh hiện có, khơi thông trên 1.000 mét cống rãnh, thu gom 105 m3 rác, vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Công ty đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải tại các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, các nhà máy sản xuất giấy đế, giấy vàng mã đảm bảo vệ sinh môi trường trong nhà máy và xung quanh nhà máy.
Về xử lý độ ồn, ánh sáng, nhiệt độ, bụi…, Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để duy trì các thông số thấp hơn quy định. Cụ thể, đối với độ ồn của máy, do làm tốt công tác kiểm tra bảo dưỡng đúng định kỳ, sửa chữa kịp thời nên máy móc thiết bị hoạt động tốt, không tạo lên tiếng ồn lớn.
 Ánh sáng được thiết kế, bố trí các bóng điện chiếu sáng hợp lý, vệ sinh lau chùi thường xuyên, nên đảm bảo cường độ ánh sáng cho người lao động. Công ty đã có sáng kiến bảo ôn toàn bộ hệ thống máy sấy vừa hạn chế tối đa nhiệt lượng toả ra, vừa  đảm bảo giảm được nhiệt độ nóng cho công nhân vận hành.
Năm 2018, Công ty đã trang bị đúng chủng loại, đủ số lượng bảo hộ lao động cho 100% lao động, tổng chi phí mua sắm bảo hộ lao động trị giá trên 300 triệu đồng, huấn luyện và cấp chứng chỉ và thẻ an toàn cho 529 lao động, 98% công nhân lao động được khám sức khỏe.
Với những thành tích đạt được trong tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo môi trường lao động, sản xuất an toàn, Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ chuyên đề “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” năm 2018.
Theo Thành Trung – Báo Yên Bái

Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm cho người lao động

Cán bộ, người lao động của Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. (Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc trong dây chuyền sản xuất).

Thời gian qua, ngoài việc ổn định sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm (LNSTP) Yên Bái đã nghiêm túc chấp hành các quy định về pháp luật lao động, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ), tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Trinh – Giám đốc Công ty cổ phần LNSTP cho biết: “Có được kết quả như hiện nay là do nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi đánh giá một yếu tố rất quan trọng đó là con người. Vì vậy, Đảng ủy, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc luôn quán triệt sâu sắc việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Những năm qua, Công ty đã xây dựng các nội quy, quy chế hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm đến các chế độ, chính sách, bảo đảm đời sống cho NLĐ”. Hiện nay, Công ty cổ phần LNSTP có 8 nhà máy sản xuất đặt tại 5 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 600 lao động. Hầu hết cán bộ, công nhân viên, NLĐ trong doanh nghiệp đều được tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, đúng quy định của Luật Lao động, Luật BHXH.
Đặc biệt là việc đóng BHXH theo tháng, luôn đúng, đủ để NLĐ được giải quyết kịp thời đầy đủ các chế độ ốm, đau, thai sản; chốt thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển công tác và khi nghỉ hưu được lĩnh tiền lương hưu ngay tháng liền kề.
Số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ, công nhân viên đều tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2017, Công ty đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 8,3 tỷ đồng; năm 2018 là gần 11,1 tỷ đồng và năm 2019 là 11,6 tỷ đồng.
Nhờ tham gia đầy đủ các chính sách BHXH, BHYT, BHTN nên NLĐ của Công ty được giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN như: ốm đau, thai sản, dưỡng sức, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất và khám, chữa bệnh BHYT. Hàng năm có hàng chục lượt cán bộ, công nhân được thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản.
Chị Phạm Thị Thu Hà, công nhân Nhà máy Gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc chia sẻ: “Làm việc tại Nhà máy tôi thấy rất yên tâm vì các chế độ cho NLĐ rất kịp thời, đúng hạn, như việc nhận lương, việc đóng BHXH. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi còn được Công ty mua bảo hiểm thân thể cho. Cùng với đó các chế độ thưởng, phạt nghiêm minh khiến NLĐ phấn khởi, làm việc trách nhiệm, hiệu quả. Chắc chắn tôi sẽ làm việc lâu dài tại đây”.
Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách cho NLĐ, liên tục từ hơn 10 năm qua, Công ty cổ phần LNSTP không nợ đọng tiền BHXH, hàng năm đều đóng đủ 100% số phát sinh trước ngày 31/12. Nhờ đó, nhiều năm liền Công ty được BHXH tỉnh Yên Bái và BHXH Việt Nam khen thưởng.
Nhờ có chiến lược kinh doanh hợp lý, cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn phát triển, các sản phẩm chủ lực của Công ty như: tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã… ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước đưa doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Dự ước năm 2019 doanh thu của Công ty đạt 365 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2018; nộp ngân sách Nhà nước 23,7 tỷ đồng.
Theo Hồng Duyên – Báo Yên Bái

Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái khẳng định vị thế trên thương trường

Giấy đế, vàng mã của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là một trong những sản phẩm chủ lực xuất khẩu của tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Trinh – Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay, Công ty có 8 nhà máy sản xuất, trong đó có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn huyện Văn Yên; 4 nhà máy sản xuất giấy đế tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; 2 nhà máy gia công vàng mã xuất khẩu tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế ở huyện Văn Chấn.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế thị trường. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã có những giải pháp tích cực và phù hợp, lãnh đạo, chỉ đạo Công ty hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.
Để đứng vững trên thương trường và thu hút được khách hàng, Công ty cổ phần LNSTP Yên Bái đã chủ động đầu tư, hiện đại hóa công nghệ sản xuất bằng hệ thống thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Hà Lan, Đài Loan.
Bên cạnh đó, với đặc điểm là doanh nghiệp chế biến LNSTP, nguồn nguyên nhiên liệu của các nhà máy đều là sản phẩm của nông dân nên Công ty luôn xác định phải đảm bảo lợi ích hài hòa của đơn vị với người nông dân. Công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu như: sửa chữa đường dân sinh, hỗ trợ canh tác sắn bền vững, hỗ trợ cây quế giống cho đồng bào vùng nguyên liệu quế huyện Văn Chấn… trị giá hàng tỷ đồng.
Cùng với đó, thông qua việc thu mua nguyên liệu với giá cao để người nông dân có lãi, cơ chế thu mua hợp lý, thủ tục nhanh gọn, thanh toán ngay khi cân hàng, nhờ đó đã giúp người nông dân yên tâm đầu tư trồng mới vùng nguyên liệu để ổn định về diện tích và sản lượng cho các nhà máy.
Hàng năm, Công ty đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa đường giao thông khu vực khai thác lâm sản và tổ chức cho trên 40 lượt người là lãnh đạo địa phương và hộ nông dân tiêu biểu đi tham quan, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc Nguyễn Quốc Trinh chia sẻ: “Để khẳng định vị thế trên thương trường, Công ty xác định phải đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư vùng nguyên liệu bảo đảm luôn đủ nguyên liệu để sản xuất. Với quan điểm khi xây dựng một nhà máy sản xuất ở nơi nào thì phải mang lợi ích thiết thực cho địa phương và nhân dân ở đó nên Công ty đã ưu tiên tuyển dụng người lao động tại địa phương và các xã lân cận nơi có các nhà máy của doanh nghiệp hoạt động. Cùng với đó, Công ty luôn quan tâm thực hiện các chế độ với người lao động có vậy họ mới yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp”.
Nhờ có chiến lược kinh doanh hợp lý và các giải pháp khắc phục khó khăn kịp thời nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn phát triển, các sản phẩm chủ lực của Công ty như tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã… ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Năm 2017, doanh thu Công ty đạt 272 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 24,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 14,6 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty đã đạt doanh thu 230 tỷ đồng, đạt 71,8% kế hoạch năm, nộp ngân sách Nhà nước 97,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho gần 700 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc tập trung phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Hàng năm, các nhà máy của Công ty chủ động phối hợp, cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương thông qua các hình thức như kết nghĩa, giao lưu hoặc tham gia các hoạt động như văn nghệ, thể thao, nhân các ngày lễ, kỷ niệm tạo không khí vui tươi phấn khởi trong khu vực.
Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên ủng hộ các quỹ do các cấp, ngành, địa phương phát động; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, tết, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương có nhà máy của Công ty hoạt động.
Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, Công ty cổ phần LNSTP Yên Bái không những khẳng định được vị thế trên thương trường mà còn góp phần không nhỏ cùng chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Hồng Duyên – Báo Yên Bái

Sản phẩm giấy vàng mã (Xuất khẩu thị trường Đài Loan)

Hiện nay Công ty có ba nhà máy sản xuất giấy đế với tổng sản lượng 4.000 tấn/năm và 02 dây chuyền gia công tiền vàng mã (xuất khẩu 100% Đài Loan với công xuất 2.500 tấn/năm). Sản phẩm của Công ty đã có uy tín với khách hàng trong nước và Đài Loan. Sản phầm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vì vậy Công ty đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả.

Page 28 of 75
1 26 27 28 29 30 75